XtGem Forum catalog
HomeGame OfflineBlog
Home >
Hai cái đầu lâu thét gào trong đêm tối
Đầu thế kỷ thứ mười bảy, trong vùng Hoàng Hồ có một trang trại nhỏ của gia đình họ Cự. Người chồng tên là Khả và người vợ Đỗ Thị là hai nông dân cần cù, tiết kiệm và rất thương yêu mảnh đất rộng vài mẫu và căn nhà nhỏ của họ, do cha truyền con nối từ nhiều thế hệ. Điều đáng nói là vùng đất bao la xung quanh lại thuộc quyền sở hữu của Mã Sơn, một đại điền chủ đầy quyền lực, người có một bà vợ thật yêu kiều.

Hai vợ chồng Mã Sơn muốn xây một dinh thự mới, nhưng cả vùng đất bao la của họ không một nơi nào thích hợp, ngoại trừ mảnh đất nhỏ của gia đình họ Cự, vì mảnh đất này không những nằm ngay giữa giang sơn của họ mà còn ở một vị trí tuyệt đẹp với một tầm nhìn bao quát, mênh mông và nhất là không xa bờ hồ là mấy. Đã nhiều lần Mã Sơn đề nghị mua lại trang trại nhỏ của gia đình họ Cự với giá thật cao, nhưng cặp vợ chồng nông dân này đã thẳng thắn chối từ, dù giá cao tới đâu đi nữa.



Một hôm, sau một chuyến du thuyết bất thành, Mã Sơn trở về với vẻ mặt đầy giận dữ, thề sẽ làm chủ mảnh đất của gia đình họ Cự với bất cứ giá nào. Đêm hôm đó, không biết bà vợ yêu kiều của ông ta bầy mưu tính kế ra sao mà sáng sớm hôm sau Mã Sơn cỡi ngưa. trở lại trang trại họ Cự.

Mỉm cười bắt tay người chồng, Mã Sơn nói rằng ông đã bỏ ý định mua lại trang trại của gia đình họ Cự, xin họ tha lỗi cho ông những khi ông nóng giận, và để chứng tỏ thực tâm muốn làm hòa, Mã Sơn mời ông bà Cự Khả tới dự tiệc Giáng Sinh, chỉ còn cách hôm đó hơn một tuần.

Ông bà Khả cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi thấy người hàng xóm đầy quyền lực của họ không còn nằng nặc đòi mua mảnh đất mà ông cha họ để lại nữa, tuy nhiên họ cảm thấy ngại ngùng trong việc tham dự tiệc Giáng Sinh tại nhà Mã Sơn, vì họ hiểu rằng trong dịp này họ sẽ phải gặp gỡ tất cả các nhà quí tộc và các nhân vật quyền thế và giầu có nhất trong vùng, với những bà vợ mặc đồ lông đắt giá, đeo đầy mình những món nữ trang tương đương giá trị của cả một gia tài. Họ biết rằng họ sẽ vô cùng lạc lõng và bối rối, nhưng lại không thể từ chối được lời mời của Mã Sơn!

Rồi ngày Giáng Sinh cũng tới, ông bà Khả chẳng khác gì một đôi chuột đồng lạc lõng giữa một bầy mèo đói dù hai vợ chồng Mã Sơn đã cố gắng làm cho họ cảm thấy thoải mái.

Tới bữa ăn, họ ngồi cứng ngắc trước một dẫy bàn dài, hai đôi mắt dán chặt vào dĩa ăn của họ chứ không dám liếc nhìn bất cứ một ai.

Ngay trước mặt ông Khả là một cái chén nhỏ bằng vàng trạm chổ thật công phu, và ông cảm thấy đỡ bối rối hơn khi chăm chú ngắm nghía món đồ quí giá này.

Đột nhiên cuộc đối thoại ồn ào dường như lắng xuống khi giọng nói ngọt ngào trong trẻo của bà Mã Sơn cất lên:

- Ông Khả, tôi thấy ông có vẻ rất thích cái chén đó. Thực ra thì nó cũng xứng đáng được hưởng sự chú ý của bất cứ ai đấy chứ!

Lập tức mọi con mắt đều đổ dồn vào ông Khả và chiếc chén vàng. Mặt ông Khả đỏ gay và ông nói lí nhí đôi lời không ai nghe rõ. Sau khi một vài thực khách lên tiếng bàn tán, mọi người lại trở lại với những câu chuyện của họ và không ai còn để ý tới món đồ quí và ông Khả nữa. Không để ý nhưng họ đều biết về sự chú tâm của ông đối với cái chén vàng.

Tiệc tàn, ông bà họ Cự ngỏ lời cám ơn gia chủ trước khi vội vã ra về.

Sáng sớm hôm sau, một toán lính kéo tới vây kín trang trại họ Cự trước khi xông vào bắt giữ hai ông bà, giải tới khám đường. Tại đây, hai người bị tống giam vào hai xà lim riêng biệt mà không được cho biết lý do việc bắt giữ.

Một tuần sau họ bị đưa ra toà xét xử, và chỉ tới khi đứng trước vành móng ngựa họ mới được biết là họ bị kết tội đánh cắp cái chén vàng của người hàng xóm, bà Mã Sơn.

Trên ghế nhân chứng, bà Mã Sơn khai rằng cái chén vàng được đặt trên bàn tiệc, gần bị cáo, và bà bị lôi cuốn bởi sự chú ý đặc biệt của bị cáo khi thấy ông này mắt không rời khỏi cái chén vàng, và đó là lý do bà đã lên tiếng hỏi bị cáo về việc này ngay trong bữa tiệc. Bà thuật lại nguyên văn lời đối thoại giữa đôi bên.

Lời khai của bà được một số nhân vật tai mắt hiện diện trong bữa tiệc xác nhận. Sau đó, hai gia nhân của gia đình Mã Sơn thề rằng họ đã thấy hai bị cáo trong phòng ăn giữa lúc tất cả các quan khách đang khiêu vũ. Cuối cùng cái chén vàng được đưa ra, và hai người lính, sau khi tuyên thệ, khai rằng trong cuộc lục soát căn nhà của bị cáo, họ đã tìm thấy cái chén vàng giấu trong một phòng ngủ.

Trước những chứng cớ hiển nhiên, hai vợ chồng bị cáo ngạc nhiên và kinh hoàng tới độ không nói thành lời. Khi quan tòa hỏi họ có muốn nói điều gì không, họ chỉ biết lắc đầu và lẩm bẩm những gì không ai nghe hiểu.

Kết quả, họ bị tuyên án treo cổ, và chỉ tới khi lời tuyên án được đọc lên, bà Khả mới mở miệng được.

Dướn người về phía trước, đôi mắt đen láy mở rộng, bà chỉ tay về phía hai vợ chồng Mã Sơn và giọng nói của bà vang lên trong phòng xử:

- Ông Mã Sơn, trước mặt Thượng Đế, ông bà đã tự tuyên án đời đời vì việc ăn cướp đất đai của vợ chồng tôi. Cả ông bà lẫn con cái ông bà sẽ không bao giờ được khá giả. Tất cả những gì ông bà làm đều thất bại. Bạn bè của ông bà sẽ chết thảm. Những người được ông bà và con cái ông bà yêu thương đều chết trong buồn phiền đau đớn. Ông bà sẽ không bao giờ được sung sướng dù ở trong căn nhà mới hay nhà cũ vì vợ chồng tôi sẽ ngày đêm ở cạnh ông bà. Ông, con cháu ông, những người trong gia đình ông sẽ bị chúng tôi hành phạt. Trong suốt cuộc đời, không bao giờ ông bà loại trừ được chúng tôi. Giòng họ Mã Sơn sẽ bị tuyệt diệt và người cuối cùng sẽ chết đường chết chợ, không một xu dính túi.

Sau đó, hai vợ chồng ông bà Khả bị đưa trở lại khám đường và mấy ngày sau cả hai bị treo cổ chết.

Ngay khi thi thể cặp vợ chồng nông dân đáng thương còn bị treo toòng teng ở ngã ba đường, Mã Sơn đã chiếm khu trang trại của họ, phá sập căn nhà cũ và khởi sự xây một dinh cơ mới trên nền đất cũ.

Trước Giáng Sinh năm sau, dinh thự lộng lẫy của họ đã hoàn tất và họ dọn vào cư ngụ tại đây.

Các nhà quí tộc và các nhân vật quyền thế trong vùng lại đưa những bà vợ mặc áo lông, áo luạ, mình đeo đầy nữ trang tới dự tiệc Giáng Sinh với vợ chồng Mã Sơn. Mọi người chuyện trò vui vẻ giữa tiếng nhạc tưng bừng và không ai còn nhớ tới số phận cặp vợ chồng nông dân khốn nạn cũng như những lời nguyền rủa của bà Khả nữa.

Giữa buổi tiệc, bà Mã Sơn lặng lẽ rời bàn ăn, đi lên lầu lấy vài món nữ trang đắt giá mà chồng bà vừa mua tặng để khoe với thực khách. Thời đó, chưa có hơi đốt và căn phòng khách được thắp sáng bằng những ngọn đèn cầy. Cầm ngọn đèn cầy trên tay, bà Mã Sơn bước lên thang lầu mờ ảo để về phòng. Lên được nửa đường, vừa đặt chân lên một khúc quanh, bà thấy xương sống buốt lạnh, đứng chết sững như trời trồng: Trên tay cầu thang chỉ cách bà khoảng một sải tay, hai cái đầu lâu đang nhìn bà nhe răng cười. Một cái là đầu lâu đàn bà với mớ tóc dài rũ xuống, cái kia là của một người đàn ông. Trong ánh nến chập chờn, hai cái đầu lâu đang nhe răng cười và dường như sắp mở miệng nói với bà...

Bà Mã Sơn thét lên một tiếng hãi hùng, đánh rơi cây nến và ba chân bốn cẳng chạy như bay xuống phòng khách. Tại đây, mặt mày trắng bệch, chân tay run rẩy, bà thuật lại những gì vừa xẩy ra.

Tất cả các quan khách, tay cầm nến và đèn dầu, kéo nhau lên cầu thang, dĩ nhiên các ông đi trước. Hai cái đầu lâu vẫn nằm vắt vẻo, chỉ khác một điều là chúng không còn nằm trên tay cầu thang nữa mà nằm tận trên đầu cầu thang. Một người đàn ông can đảm nhất đám, một vị sĩ quan, rút kiếm xông lên đâm thẳng vào cái đầu lâu đàn ông.

Đây là một cái đầu lâu thực chứ không phải loài ma quái vì nó không biến đi mà đứng yên nhận chịu lưỡi kiếm. Tiếng kiếm chạm vào xương phát ra một âm thanh lạnh người.

Một người la lớn:

- Đây chỉ là trò bịp của một tên phá hoại nào đây!

Lập tức một tên gia nhân khả nghi bị đưa xuống hầm tối, bị trói vào một cái cột, buộc phải thú tội. Còn hai cái sọ người thì bị ném ra sau vườn.

Tiệc tàn, mọi người kéo nhau về phòng ngủ.

Khoảng hai giờ sáng, giữa lúc mọi người đang say ngủ, vì hơi men và cũng vì mỏi mệt, ngoại trừ tên gia nhân đang run rẩy dưới hầm, đột nhiên những tiếng thét đầy kinh hoàng và đau đớn vang lên khiến mọi người bật dậy, không kịp bận áo ngoài, phóng ra khỏi phòng xem việc gì xẩy ra. Họ kéo nhau tới chỗ tiếng la phát xuất, cái cầu thang nơi hai cái đầu lâu xuất hiện vào buổi tối, và trước sự kinh hoàng của họ, hai cái đầu lâu lại nằm trên tay cầu thang, hai hàm rằng trắng nhởn nhe ra đầy đe doạ.

Tiếng thét kinh hoàng cũng ngưng bặt khi họ kéo tới, tuy mọi người biết chắc những tiếng thét hãi hùng phát xuất từ hai cái đầu lâu. Mọi người lặng lẽ rút lui, lần này không ai dám đụng tới hai cái đầu lâu nữa.

Dường như không còn ai ngủ được nữa và dường như mọi người đều nhớ lại lời nguyền rủa của bà Khả gần một năm về trước.

Sáng sớm hôm sau, chính Mã Sơn đem hai chiếc đầu lâu liệng xuống ao trong khi toàn thể quan khách lặng lẽ rút lui.

Tên gia nhân bị nhốt oan lập tức được thả ra và suốt ngày hôm đó, vợ chồng Mã Sơn nhìn nhau mặt mày trắng bệch.

Đêm hôm đó, từ sau cửa phòng ngủ khóa kín, họ nghe những tiếng gào la hãi hùng, đau đớn, và sáng sớm hôm sau, hai cái đầu lâu lại xuất hiện trên đầu cầu thang. Bây giờ, vợ chồng Mã Sơn phải đối phó với một tình thế mới. Không một gia nhân nào dám ở lại đêm, và thực ra chỉ còn một vài người ở lại làm việc với họ mà thôi. Bạn bè cũng thưa lần vì mọi người đều nhớ tới lời nguyền rủa mà bà Khả dành cho bè bạn Mã Sơn.

Chỉ còn một hai người can đảm nhất mới dám tới thăm Mã Sơn hoặc mời vợ chồng Mã Sơn tới thăm họ. Tuy nhiên, vợ chồng Mã Sơn lại vô cùng can đảm. Họ cương quyết ở lại, bất chấp những cuộc viếng thăm không được mời của hai cái đầu lâu. Điều khiến vợ chồng Mã Sơn kinh hoàng nhất là việc hai cái đầu lâu là thực thể chứ không phải chỉ là ảo ảnh. Họ luôn e ngại rằng giữa một đêm nào đó khi thức giấc, họ có thể thấy hai cái đầu lâu đang le lưỡi, nhe răng ngay trên đầu họ.

Trong khi đó, công việc làm ăn của Mã Sơn khởi sự xuống dốc. Mọi công cuộc doanh thương đều thất bại nặng nề. Không lâu sau đó, khi tất cả sản nghiệp tiêu tan, hai vợ chồng Mã Sơn từ giã cõi đời trong buồn phiền, chỉ còn cái dinh cơ lộng lẫy để lại cho người con trai.

Đêm đầu tiên khi người này dọn vào, hai cái đầu lâu thét gào đầy đe doạ suốt đêm. Tuy nhiên, dường như với cái chết của vợ chồng Mã Sơn, sự giận dữ của hai cái đầu lâu cũng hạ giảm, và hàng năm, những tiếng thét gào đau đớn chỉ còn được nghe thấy một lần vào dịp Giáng Sinh, ngày cặp vợ chồng nông dân đáng thương dự bữa tiệc đầy tai hoạ, và một lần vào ngày họ bị treo cổ.

Tuy nhiên, dường như có hai cấm điều: Mọi cố gắng đưa hai cái đầu lâu khỏi mảnh đất cũ của họ sẽ đưa tới một thời kỳ dài bất ổn với những tiếng thét hãi hùng nghe thấy hàng đêm; và con trai Mã Sơn không được phép mở tiệc tại căn nhà cũ nơi hai vợ chồng nông dân họ Cự bị cài bẫy.

Một lần, chỉ một lần mà thôi, con trai Mã Sơn mở tiệc tại căn nhà cũ. Giữa lúc thực khách vừa ngồi vào bàn thì cánh cửa bật mở, hai cái đầu lâu long lóc lăn vào trước khi nhẩy lên bàn, nhe hai hàm răng trắng nhởn khiến toàn thể thực khách xô nhau bỏ chạy.

Người con trai Mã Sơn cũng chết vì quá buồn phiền và sự buồn phiền tiếp diễn với các thế hệ Mã Sơn sau đó cho tới khi tòa nhà về tay chủ mới.

Người cuối cùng của giòng họ Mã Sơn đã chết đường chết chợ, không một xu dính túi. Cái chết của một kẻ ăn mày!

Lời nguyền rủa của bà Khả đã được chứng nghiệm.