Hồi mới giải phóng, xóm tôi còn nghèo nàn lắm,cả xóm chừng vài chục nóc nhà, đa phần là nhà tranh lụp xụp, xung quanh nhà bà con hay trồng cây keo,cây dẹp,cây nổ làm hàng rào. Chỉ vài nhà có điện thôi.
Tối đến cả xóm tối thui, ít ai ra đường ngoại trừ có công việc. Ban đêm ra đường đi giữa hai hàng cây keo , cây dẹp um tùm phủ ra hai bên đường, khi có cơn gió nhẹ thoảng qua làm các nhánh cây rung động, dưới ánh sao trời tưởng tượng như những hình thù kỳ dị ma quái ẩn hiện trước mặt làm cho ai yếu bóng vía phải rợn tóc gáy.
Nhà tôi ở cuối con hẻm cụt, dọc con hẻm, mỗi bên chừng chục nóc nhà. Cách nhà tôi hai nhà là nhà bà Ba. Như vậy mỗi lần về nhà tôi là phải đi ngang nhà bà Ba. Bà Ba già rồi, bà sống với hai đứa cháu ngoại còn nhỏ là con Tuất-70và con Tân-71. Ba bà cháu sống heo hút với nhau trong cảnh khổ cực, thiếu thốn. Phong cảnh nhà bà thấy âm u, quạnh quẽ lắm, tối ai có việc đi ngang qua cũng có cảm giác rờn rợn, lạnh lạnh sao sao ấy!
Bà khó tính, nên hàng xóm ít quan hệ với bà. Ban ngày bà đi mót lúa, hay mò cua bắt ốc gì đó, tối về bà cháu hủ hỷ với nhau dưới ánh đèn dầu một chút rồi đi ngủ;chứ bà ít tới nhà ai, có chăng chỉ tới nhà tôi chơi một chập lát rồi về mà thôi. Sở dĩ bà thân với nhà tôi hơn vì ba tôi hay giúp bà làm cái này, cái kia. . . Đáp lại cũng chỉ có anh em tôi mới dám đến nhà bà chơi với tụi con Tuất, con Tân mà thôi. Như vậy nhà bà vốn dĩ quạnh quẽ thì lại càng quạnh quẽ hơn.
Mấy hôm nay bà con trong xóm xì xầm bàn tán với nhau là nhà bà Ba-ngoại con Tuất có ma:Cứ khoảng 12 giờ khuya trở đi thì nghe văng vẳng tiếng đàn bà khóc than ai oán, giọng khóc kể giống như người ta hay khóc khi có người thân vừa mới chết vậy, có điều là tiếng khóc nghe có vẽ ma quái lắm-tiếng khóc nghe như lúc gần, lúc như từ hư không xa thẳm vọng lại. Dù người có bạo gan cách mấy cũng không tránh khỏi cái cảm giác lạnh sống lưng khi nghe tiếng khóc.
Từ khi có tin đồn có tiếng khóc than ở nhà bà Ba, tối đến người ta càng ít dám ra đường hơn, cơm nước xong nhà nào nhà nấy đóng cửa ở trong nhà, làm cho khu xóm nghèo vốn vắng vẻ, lại càng thêm vắng vẻ!
Mặc dù người ta biết chắc tiếng khóc ma quái phát ra đầu hè nhà bà Ba nhưng không ai dám đem chuyện ấy kể cho bà nghe vì sợ bà chưởi, bảo là trù ẻo nhà bà. Không biết là ngoại cháu bà có nghe tiếng khóc không?!
Lúc đầu hầu như đêm nào cũng nghe. Về sau thì thưa dần, một tháng chừng vài ba đêm, rồi hai ba tháng một lần, nhất là những đêm mưa dầm gió bất, mưa dãi, gió mây. . .
Có người kể là nhiều lúc người ta còn thấy cục lửa xanh ẻo bằng cái chén bay lờ lờ từ đầu con hẻm đến trước cửa ngỏ nhà bà Ba, cục lửa bay đảo qua đảo lại trước cửa hai ba vòng rồi bây vào nhà. Khi vào nhà cục lửa bay tới trước cửa cái dừng một tí rồi bay xuống cửa nhà bếp, rồi bay tiếp lên đầu hè trên rồi mất biệt. Chừng một lúc hơi lâu thì thấy cục lửa bay lại trở ra ngoài rồi theo đường cũ rồi bay đi. Có một đêm bà Nhơn-nhà đối diện nhà bà Ba ra ngoài đi tiểu, dưới ánh trăng mờ hạ huyền, nhìn qua đầu hè nhà bà Ba, bà thấy dáng một người đàn bà tóc xoã dài đến mông nắm tay thằng nhỏ đứng nhìn ánh trăng nhưng bà không thấy rõ mặt. Có chồng bà cũng thấy nữa.
Người ta nói đó là hồn ma mẹ con bà Mọi vì chết tức tưởi quá nên không siêu thoát được, nhớ nhà dẫn con về thăm nhà, thấy lại cảnh cũ, thương hai đứa con ở lại côi cút, khổ sở, nên khóc than buồn cho số phần ngắn ngủi.
Đó là chuyện lúc nhỏ, tôi nghe lõm được khi những người hàng xóm kể cho Ba-Má tôi nghe. Không biết thực hư thế nào. Lúc đó tôi chỉ nhớ thằng Tèo. Tội nghiệp, nó chết thảm quá, ruột lòi ra cả đùm!Ngoài hàng rào, mấy cây mồng tơi là kỷ niệm của thằng Tèo, nó nhổ ở nhà nó đem tới nhà tôi, hai đứa hì hục trồng cả buổi chiều, nó nói trồng để Má tôi hái nấu canh ăn.
Dậu mồng tơi không nhớ đã qua bao độ úa tàn, bao nhiêu lần rụng hạt, chờ mỗi mùa xuân tới lại mọc lên, nay lại xanh mơn mởn, phủ kín một gốc rào. Nhìn dậu mồng tơi lòng tôi thấy buồn vời vợi.
Ở đời chuyện gì mới lạ thì người ta bàn tán xôn xao một lúc nào đó thôi, rồi cũng quên dần đi. Chuyện vụ án mạng thương tâm của Mẹ con Bà Mọi năm nào cũng làm xôn xao một lúc rồi cũng chìm vào quên lãng. Rồi gần đây lại chuyện mẹ con bà Mọi hiện hồn làm hâm nóng lại chuyện án mạng năm xưa, tới đâu cũng nghe bàn tán về hồn ma bà Mọi, một lúc rồi cũng lại chìm vào quên lãng.
Tôi cũng vậy, chuyện bà Mọi bị giết cũng thoáng trôi nhanh qua đầu óc non nớt của mình. Hàng ngày sau buổi học, tôi vẫn thường chạy qua chơi với con Tân , con Tuất, vì ngày nào bà Ba cũng đi mót chỉ có ai chị em nó ở nhà. Anh em tôi qua nhà nó bày ra đủ trò chơi tuổi thơ.
Rồi ngày tháng cứ dần trôi, một ngày nọ bà Ba sức yếu, mắt kém không thể đi mót được nữa con Tuất lại tiếp tục công việc của bà. Nó còn nhỏ không tranh nổi với người lớn nên mót không được bao nhiêu. Tối về thấy có ít lúa, bà đánh đập chưởi bới nó thật tội nghiệp!Nhiều lúc bà chưởi luôn vong hồn đứa con gái bạc phước của bà sao ngu dại ưng trúng thằng chồng sát nhân để rồi bị hắn giết chết phải bỏ lại hai đứa con cho bà. Bà chưởi thế cũng tội nghiệp cho vong hồn bà Mọi, tội cho hai đứa con côi cút mất mẹ phải sống bữa đói bữa no. Nói cho cùng thì chẳng qua số phần của bà nó ngắn và số hai đứa nhỏ phải chịu khổ cực đói khát, chớ bà Mọi nào có muốn như thế đâu, chắc ở nơi âm cảnh lòng bà cũng quặn thắc đớn đau lắm chớ!Nhiều lúc như thế nghĩ lại thấy thấm thía câu hát mẹ ru: "Ầu ơi. . . , mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm!Tôi nghĩ chắc bà Mọi cũng đau khổ lắm vì không còn sống để chăm sóc hai đứa con còn thơ dại, nên vong hồn bà không thể siêu thoát được để hàng đêm lại về thăm con, thấy con khổ mà bất lực không thể giúp được gì nên tủi thân ngồi khóc than cho số phận!
Hồi mới giải phóng cho đến năm tám mươi mấy, thực phẩm khan hiếm ghê lắm. Mười nhà thì tám chín nhà ăn độn thêm khoai lang, khoai mỳ. Tiếng là nông dân có ruộng nhưng có nhà vẫn đói như thường vì sản phẩm làm lên chỉ đủ đong cho HTX, thậm chí còn thiếu nợ nữa. Tội nghiệp có hộ làm mà không đủ đong cho HTX, đến lúc gặt HTX cho lực lượng du kích đến canh giữ. Khi gặt lên họ chở về kho hết(gọi là bao thu). Nhiều cảnh cay đắng thường xảy ra:những hộ bị bao thu đó chờ lúc du kích không để ý liền vác một bao, hay xúc một mủng bưng chạy, không bị phát hiện thì thôi;còn lỡ bị phát hiện là. . . đùng, đùng, đùng. . . thì phải lật đật bỏ "hàng" lại mà chạy trối chết, mà. . . thoát thân, để. . . rồi còn có cơ hội. . . về nhà nhìn vợ con. . . nhịn đói!Bao công sức mồ hôi nước mắt của mình đổ xuống để làm ra hạt thóc để mà, giờ đây mình lại trở thành tên trộm ăn cắp lại tài sản của mình!
Người nông dân thực thụ còn sống trông cảnh thiếu đói như thế, thì nhà con Tân, con Tuất làm sao tránh khỏi cảnh bà cháu phải nhịn đói thường xuyên?!Bà cháu nó có hôm trong nhà chỉ còn lưng chén gạo không đủ nấu cơm chỉ nấu đủ vài chén cháo húp đỡ. Có bữa được ăn cơm nhưng một phần cơm tới hai phần khoai mỳ, hoặc khoai lang ăn với đọt dẹp chấm nước muối ớt. Tới dịp cắt lúa, má tôi gọi con Tuất theo để sai vặt rồi chiều về cho nó mủng lúa. Hoặc thỉnh thoảng má tôi đem đến vài ký gạo. Cùng là bạn nghèo với nhau của ít lòng nhiều giúp nhau lúc ngặt.
Vì bữa đói , bữa no, lại phải vất vả cả ngày ngoài đồng để nhặt từng bông lúa rụng, nên một ngày kia con Tuất ngã bệnh toàn thân phù thủng-do bị suy dinh dưỡng và cảm nhiễm mưa nắng lâu ngày. Rồi lại không có tiền chữa bệnh nên con Tuất đã. . . phải bỏ lại bà ngoại và đứa em.
Sau khi con Tuất chết chừng một tháng, bà Ba bán nhà cho người hàng xóm đối lưng với nhà bà về ở với con gái đầu-bà này cũng nghèo lắm. Con Tân thì được bà hàng xóm tốt bụng ở xóm trên đem về nuôi để sai chuyện lặt vặt, vì bà này không chồng con nên bà thương nó như con vậy. (Hiện giờ con Tân đang ở Sài Gòn)
Căn nhà bà Ba người ta mua để chứa đồ chớ không để ở. Nên từ khi bà dọn đi thì căn nhà vốn đã u ám nay lại càng lạnh lẽo, u ám hơn, ai đi ngang qua đây đều có cảm giác rờn rợn đằng sau gáy!
*
* *
Rồi người ta bắt đầu xôn xao lại chuyện hồn ma bà Mọi:nào là nghe bà Mọi ngồi khóc ở đầu hè;bà Mọi dắt con về;cục lửa bay vòng vòng. . . thôi thì đủ thứ, đủ kiểu hết!
Hồi đó, nghe đoàn cải lương nào đến hát thì thanh niên, thanh nữ, bà già, con nít hầu như ai cũng thấy trong lòng vui như mở hội, trông mau tới tối để đi coi. Lúc đó có đoàn Sông Bé 3 đến lưu diễn, đêm đó hát tuồng Bạch Viên Tôn Cát, bà con ở xóm tôi đi xem thật đông, tôi cũng đi xem nữa.
Khi về tới đầu hẻm, ai vào nhà nấy còn mình tôi lủi thủi, vì nhà tôi ở cuối con hẻm lận. Tôi còn nhớ đêm đó độ mùng chín, mùng mười, ánh trăng thượng tuần chênh chếch về Tây, ánh sáng mờ ảo soi qua tán cây ổi già của nhà bà Nhơn đối diện nhà bà Ba tạo thành những khoảng sáng tối có hình thù kỳ dị ma quái. Còn chừng độ hơn 10 mét thì tới cửa ngỏ nhà bà Ba, nhìn tới đó thì tôi thấy thấp thoáng một cái bóng mờ trắng trắng, tôi nghĩ là ánh trăng xuyên qua tán ổi chiếu xuống chỗ trụ cửa ngỏ. Tôi vẫn vô tư đi tới, khi tới gần tôi mới biết không phải là ánh trăng mà là. . . một người đàn bà mặc áo trắng, tay dắt đứa nhỏ. Thấy thế tự nhiên tôi cảm thấy như có một luồng hơi lạnh trong ruột từ bụng dưới chạy lên tận cổ, lúc đó tôi điếng hồn định co giò chạy, mà có chạy thì tôi cũng phải chạy ngang qua hai mẹ con bà này mới về nhà được, vì đến quá gần rồi, tiến thoái lưỡng nan, nên đành liều mạng mà thôi!Tôi bắt đầu co chân chạy thì khi ấy tôi cũng vừa thấy người đàn bà và thằng nhỏ quay lại nhìn tôi. Ôi, người đàn bà mặt mày và toàn thân trước đầy máu me;còn thằng nhỏ thì tôi không kịp thấy mặt chỉ thấy hình như nó mặc chiếc quần đùi và chiếc áo màu đỏ hay trắng mà dính máu gì đó không phủ hết mà để lộ một đùm. . . gì đó đỏ lòm trước bụng. Trời, chân tôi như xụm xuống, dường như không thể nào bước nổi nữa, song cũng rán hết sức vì còn chừng 20 mét nữa là tới nhà. Tôi tung cửa ngỏ, cửa cái chạy thẳng vào giường trùm mền kín đầu đuôi. Ba Má tôi thấy lạ mới chạy tới hỏi, phải một lúc lâu tôi mới trả lời được, vừa trả lời, vừa run. (Sở dĩ tôi tung cửa vào được là vì Ba Má tôi không cài chốt để chờ tôi về. )
Kể tới đây, quý vị có thể cho rằng vì tôi ám ảnh chuyện người ta đang đồn về hồn ma mẹ con bà Mọi nên trông gà hoá cuốc. Sao cũng được, nhưng đối với chính tôi cho tới bây giờ tôi vẫn tin rằng tôi đã thấy rõ ràng như vậy. Còn chuyện tôi sợ đến bủn rủn tay chân, tôi nghĩ rằng dù ai có dạn cách mấy cũng không tránh khỏi nỗi sợ hãi này:vì bất ngờ nhìn thấy đâu kịp phản ứng gì, với lại rất gần con ma ấy nữa;thấy con ma bình thường đã mất hồn rồi đằng này còn thấy thêm ruột gan, máu me nữa chớ!Ban ngày mà thấy cảnh đầy máu me ruột gan như thế đã điếng hồn rồi!!!
Tôi tin chắc rằng đó là hồn ma mẹ con bà Mọi, do nhớ hai đứa con của mình nên mới về thăm, thấy ngôi nhà xưa còn đó mà con đâu rồi. Đứng ngoài nhìn cảnh cũ rồi nhớ đến cái chết tức tưởi của mình và đứa con nên hiện hình ảnh của mình và đứa con lúc vừa bị giết, có lẽ để tiếc nuối giây phút cuối cùng mình còn sống trong đêm định mệnh ấy. Vì có thể bà rất muốn được sống lại để được chăm sóc cho hai đứa con côi cút bơ vơ nơi dương thế.
*
* *
Dậu mồng tơi mơn mởn đang bỏ ngọn phủ kín hàng rào trước sân là kỷ vật duy nhất thằng Tèo còn lưu lại cho tôi. Chiều hôm ấy nó nhổ mấy cây mồng tơi qua nhà tôi trồng;nó trồng, tôi múc nước tưới, hai đứa hì hục vui vẻ bên nhau suốt cả buổi chiều. Tôi, Nó nào có biết đâu đó là lần cuối hai đứa bên nhau để rồi đến khuya hôm đó nó xa tôi mãi mãi.
Đêm hôm đó đang ngủ thì Má tôi nghe tiếng kêu: "Bớ làng xóm ơi có ai tới cứu mẹ con tôi. Thằng T nó giết con Mọi chết rồi". Má tôi tỉnh ngủ hẳn, gọi ba tôi dậy: "Ông ơi thằng T nó giết con Mọi rồi". Ba tôi thức dậy nhìn đồng hồ thấy chừng một giờ rưởi. Lúc này hàng xóm náo động cả. Mấy người xung quanh chạy tới đứng ngoài ngỏ chớ không dám vô vì họ sợ ông T chồng bà Mọi còn trong đó chờ họ vô là giết luôn. Ba Má tôi chạy qua , lúc này bà Ba không còn la nổi nữa mà chỉ rên lên từng hồi thôi. Ba Má tôi xô cửa chạy vào, dưới ánh đèn leo lét thì thấy cảnh tượng hãi hùng:Trên giường xốc xếch, bà Mọi máu me lênh láng. Con Tuất, con Tân hai đứa ôm nhau ngồi co rúm run cầm cập ở góc giường gần chân má nó. Bà Ba nằm trên vũng máu dưới nền nhà, vừa rên ư ử vừa lầm bầm nguyền rủa. Chiếc lưởi lê M16 dính đầy máu vứt lăn lóc cạnh đó.
Rồi mấy người hàng xóm chạy vào xem. Ba tôi chạy ra nhà ông Đích ở xóm ngoài, kêu ông đánh xe lam tới chở nạn nhân đi nhà thương.
Khi Ba Má tôi đến bà Mọi nằm yên bất động, mặc dù còn thoi thóp thở, nhưng không nói lời nào. Hình như bây giờ cảm giác được Má tôi đang ngồi bên cạnh nên bà cố gom chút tàn hơi, hả miệng cố lấy một hơi lên thều thào nói với Má tôi: "Nhờ chị trông giùm mấy đứa con em!", rồi bà nấc lên mấy tiếng, thở ra một hơi dài rồi xuôi tay. Còn bà Ba lúc thì yên lặng, lúc thì lẩm nhẩm nguyền rủa thằng con rể.
Xe lam đến mọi người giúp một tay khiêng bà Ba và xác bà mọi lên xe. Má tôi cũng theo xe đến nhà thương. Ở nhà, lúc này, Ba tôi mới trực nhớ tới thằng Tèo, nãy giờ bối rối công chuyện mà quên bẵng nó, hỏi ai cũng không thấy.
Bây giờ mọi người mới rọi đèn nháo nhác kiếm thằng Tèo thì thấy nó ngồi co rúm lại chỗ hốc tủ với bộ đang sợ hãi lắm. Nghe có tiếng người, nó cố ngước lên nhìn mọi người như cầu cứu với đôi mắt lạc thần, rồi lấy hơi ức ức lên hai tiếng, xong thở ra một hơi dài, ngã tựa vào góc tủ ngoẹo đầu về một bên rồi. . . xuôi tay!Ai đó bế thằng Tèo đặt lên giường rồi người ta kiểm tra sao thằng Tèo lại chết, không lẽ ba nó giết luôn nó?Khi vén cái áo thun đỏ ướt đẫm của nó lên, thấy một đùm ruột to bằng cái bát trên bụng nó. Ôi, như vậy thằng Tèo cũng bị ba nó đâm rồi, tội nghiệp thằng nhỏ nó có biết gì, tiếng ai đó nấc nghẹn!Ba tôi rọi đèn xem kỹ thì thấy ruột thằng Tèo không bị đâm lủng, chỉ lủng bụng, mà máu ra cũng không nhiều lắm chỉ ướt chỗ bụng mà thôi. Vây sao thằng Tèo lại chết?Hay là nó sợ quá?Ba tôi cho rằng thằng Tèo bị lòi ruột mà không phát hiện kịp thời để cấp cứu nên ruột nằm lâu bên ngoài bị khô;hễ ruột bị khô là chết. Ai nấy nhìn thằng nhỏ cũng thở dài tiếc nuối mà nói rằng:Phải chi lúc xe lam tới mà phát hiện mất thằng Tèo thì chắc nó sẽ không chết tức tưởi, tội nghiệp như vầy!
Độ 5 giờ sáng, Má tôi về cho biết:Bà Ba bị một vết thương chéo ngang hông dài chừng 25 phân, sâu lối 1 phân đến một phân rưỡi, bị mất máu. Bà Mọi bị 6 nhát đâm khoảng 3-4 phân trong đó có một nhát trúng chỗ hiểm. Bác sỹ còn cho biết bà Mọi đang mang thai. Khi đưa bà Mọi vào nhà xác, Má tôi có thấy qua lớp áo bụng bà Mọi một khối gò lên gò xuống một lúc lâu mới yên. Bệnh viện không cho chở xác nạn nhân về ngay mà phải nhập nhà xác để làm thủ tục xong mới được chở về.
Như vậy vụ án mạng có một người bị thương, 2 người và một thai nhi chết.
Chiều hôm đó những người trong xóm tôi khiêng hai quan tài mẹ con bà Mọi đi chôn. Theo sau hai chiếc quan tài-một lớn, một nhỏ là hai đứa trẻ thơ độ bốn-năm tuổi, đầu đội khăn tang, buồn hiu nắm lấy tay nhau-đó là con Tuất và con Tân đưa tiễn mẹ và anh về nơi an nghỉ. Đám tang đi trong lặng lẽ không một tiếng trống, tiếng chiêng!Hai mẹ con được nằm cạnh nhau , bên cạnh mộ bà mẹ được trồng một cây chuối sứ. Người ta nói khi nào cây chuối trổ bông là lúc người dưới mộ sinh con.
Qua lời bà Ba và Ông T(chồng bà Mọi)trước phiên toà(phiên toà án binh mở ở Nha trang vì ông T là lính. Toà có mời Má tôi với tư cách là nhân chứng)thì diễn biến vụ án mạng như sau:Hôm đó ông T chồng bà Mọi từ đơn vị về nhà. Cơm nước xong , cả nhà nghỉ ngơi một chút rồi đi ngủ. Bà Ba ngủ nhà dưới. Vợ chồng bà Mọi và ba đứa con nằm chung cái giường lớn ở nhà trên. Hình như bà Mọi ghen tương gì đó nên kiếm chuyện gây với ông T. Lời qua tiếng lại sao đó, ông T không kiềm chế được nên mới tát tai bà Mọi một cái. Có thể vừa tức bởi cơn ghen, vừa bị đau bởi cái tát tai nảy lửa, nên bà Mọi ngồi dậy lấy lưỡi lê M16 để sẵn dưới gối(lưỡi lê này bà Mọi để dưới gối lâu rồi, để cho con cái ngủ khỏi giật mình)giá lên đâm ông T. Nhanh tay, ông T chụp được cái lưỡi con dao, hai người dằn co dữ dội, cuối cùng bà Mọi cũng rút lại được con dao, hai bàn tay ông T bị lưỡi dao cắt hai đường. Bà Mọi giành lại được con dao, giá lên đâm tiếp thì ông T chụp được tay bà Mọi, hai người vật nhau rầm rầm trên giường. Ông T giật lại được con dao trở lại đâm bà Mọi. Nằm ở nhà bếp bà Ba nghe vật lộn rầm rầm, tiếng bà Mọi rên la khi bị đâm, bà vội chạy lên xem sao. Thấy ông T đang ngồi trên bụng bà Mọi mà giá dao đâm xuống, bà liều mình chạy đến ôm ông T lại, ông T vung tay hất bà ra, bà té nằm xuống đất. Ông T đâm bà Mọi thêm mấy nhát nữa thì bà Mọi nằm yên bất động. Nghĩ rằng bà Mọi đã chết, ông T vứt con dao lại đó rồi đến cảnh sát đầu thú.
Còn về vết thương ngang hông của bà Ba và vết thương ở bụng của thằng Tèo, ông nói ông không hề đâm con ông và không hề biết con ông bị thương, có thể lúc ông và vợ ông vật lộn để giành con dao, vô tình lưỡi dao đã trúng vào bụng con ông;còn khi ông vung tay hất mẹ vợ ông có thể lưỡi dao đã trúng bà.
Như vậy người ta mới lý giải rằng:Khi thằng Tèo bị thương đau quá nên sợ, nhân lúc ba-má nó đang vật lộn không để ý thì nó ôm bụng nén đau cố lén bò xuống giường rồi trốn ở hốc tủ. Tội nghiệp thằng nhỏ đau lắm mà không dám rên một tiếng vì có lẽ sợ rên ba nó nghe thấy tới đâm tiếp!
*
* *
Từ khi tôi thấy hồn ma mẹ con bà Mọi cho đến càng về sau này, người ta càng thấy bà hiện hồn nhiều hơn. Cách một hai đêm là có người thấy bà hiện hồn về. Không như mấy năm trước hai mẹ con bà chỉ âm thầm khóc lóc rồi ra đi;bây giờ bà hiện hồn về như để chứng tỏ mình hơn:Có nhiều đêm hai mẹ con bà hiện lừng lựng đi chung quanh nhà, làm đồ đạc chuyển động nghe loảng xoảng trong nhà, rồi ra đi. Người ta nói khi bà ra đi thì không thấy rõ bóng dáng của bà mà chỉ thấy một cục trắng lợp trắng lợp xẹt qua một cái, trong đêm tối, một dãi lụa trắng lợp kéo dài từ cửa ngỏ của bà ra đến tận đầu hẻm.
Có anh bạn gặt (người cắt lúa mướn)tên Xuân, khoảng 2 giờ rưỡi-3 giờ sáng anh đi gặt, tới bụi bông giấy đầu hẻm thì bất chợt anh thấy bóng một người đàn bà mặc bộ bà ba trắng, tóc xoã khoanh tay đứng tựa bụi bông. Lúc này hồn vía anh như lên mây lên mưa, lỡ chừng, tiến lui cũng khó, đánh bạo anh cứ đi tới, chân đi, miệng niệm to thần chú"Án Ma Ni Bát Di Hồng"-câu thần chú mà hồi nhỏ anh nghe bà ngoại anh nói nó có công năng trừ các loại ma quỷ, hễ thấy ma mà niệm thần chú này thì ma sẽ sợ mà biến mất. Mặc dù biết thế mà chưa có dịp nào thử xem sự linh ứng của thần chú. Trong lúc này là cơ hội ngàn năm có một để kiểm nghiệm xem, nhưng sao anh cũng thấy sợ quá, anh vừa run cầm cập, vừa ấp a ấp úng niệm chú 0. Vừa được một hai câu thì. . . trời ơi, bà ấy đứng chần ngần ngay trước anh cái mặt chầm vầm như cái mâm con, máu me lênh láng. . . Lúc này chữ "Án" của anh thành ra chữ Á!!!!!!!!, rồi cái rật, nằm yên bất động, tay chân lạnh ngắt.
Đêm khuya thanh vắng nghe một tiếng lảnh lót trước nhà, giật mình tỉnh giấc bà chủ nhà cầm đèn chạy ra thì, trời ơi, . . . một cảnh tượng hãi hùng:một cái "xác"nằm yên bất động xung quanh nào là cơm cá nước non lăn lóc, lổn nga, lổn ngổn. Hoảng kinh hồn vía bà la oải oải báo động hàng xóm. Bà con túa ra thì ôi, trời ơi thằng Xuân ở xóm dưới bị trúng gió" ai đó la lên như thế. Người ta xúm nhau khiêng thằng"trúng gió"về nhà. Không biết vì sợ quá hay sao mà anh ta bệnh hơn nửa tháng mới hồi phục. Anh ta nghỉ gặt lúa luôn vì không dám đi ban đêm nữa.
Những buổi chiều tối trời mưa lâm râm, người ta có chuyện đi ngang qua thổ mộ Cây Trôm, nơi chôn mẹ con bà Mọi, người ta thấy thấp thoáng nơi mộ mẹ con bà là bóng một người đàn bà ngồi khoanh tay bó gối cúi mặt, và một cục lửa nhỏ bay vòng vòng qua lại gần đó. Người ta nói đó là hồn bà Mọi ngồi buồn;còn cục lửa là đứa con hồn nhiên, vô tư, thơ thẩn dạo chơi quanh mẹ nó.
Càng ngày những câu chuyện rùng rợn về hồn ma bà Mọi càng nhiều. Chuyện đồ đạc kêu loảng xoảng trong nhà bà Ba lúc đêm khuya làm ông chủ mua ngôi nhà này sợ quá phải dở bỏ chỉ còn lại nền nhà cho bồn bồn mọc. Thế mà cũng chẳng chịu yên. Những chuyện này đã ảnh hưởng không ít đến nề nếp sinh hoạt thường ngày của bà con. Thấy tình trạng mỗi lúc càng tệ hơn, những người lớn tuổi bàn tính vận động bà con đóng góp kẻ ít người nhiều để nhờ Thầy làm lễ siêu độ cho bà. Má tôi có đem chuyện này bàn với bà má nuôi con Tân, bà này đồng ý chịu hoàn toàn kinh phí cho chuyện này.
Buổi cầu siêu diễn ra rất đơn giản trong không khí trang nghiêm và thầy đã đưa vong linh mẹ con bà về chùa để sớm hôm nghe kinh kệ. Từ đó đến nay không còn nghe ai nói bà Mọi hiện hồn nữa.
*********
Trở lại chuyện anh Xuân niệm chú mà ma không chịu biến đi mà còn quay lại nhát anh. Tới đây có thể có một vài trong quý vị thắc mắc về chuyện này.
Theo tôi nghĩ, không phải chú không linh nghiệm đâu, mà lúc đọc chú tâm anh ta lại quá tán loạn(do sợ quá)thì làm sao chú phát huy tác dụng được, lại nữa, anh ta đọc là đọc như vậy thôi chứ chưa thực sự tin hẳn vào oai lực của thần chú;với lại trước giờ anh có trì tụng chú bao giờ đâu thì làm sao có sự cảm thông với chư Phật và Bồ tát?Mà không có cảm làm sao có ứng!Mặt khác anh thấy ma hồn vía anh lên mây lên mưa thì đó là điều kiện thuận lợi để con ma tác oai tác quái;còn giả sử mà khi ấy anh bình tỉnh với tâm niệm chỗ bà-bà đứng, đường tôi-tôi đi thì có thể bóng ma đó biến mất, hoặc đứng yên chứ không hù nhát anh ta đâu. Trường hợp của tôi ở trên cũng vậy, lúc đó tôi mà không" hồn bất phụ thể"chắc mọi chuyện cũng khác rồi. Đây là suy luận chủ quan thô thiển của tôi.
Duy có một điều tới bây giờ tôi còn thắc mắc là "dải lụa trắng". Bà Mọi ra đi với một dải lụa trắng. Mà vào trung tuần năm 2004, thằng Sáu Sụt ngã gục ngay gốc rào nhà bà với một con dao Thái lan đâm lút tới cán, đứt động mạch cảnh, sau đó cũng hiện về đứng trên cây sung với dải lụa trắng phất phơ, mà tôi và mấy người khác thấy tận mắt. Chuyện "dải lụa" thằng Sáu Sụt thì tôi còn lý giải được theo quan điểm chủ quan của mình. Còn chuyện bà Mọi với "dải lụa" thì tôi cứ. . . thắc mắc hoài!Hồn ma có liên quan gì với "dải lụa"?Không phải vô lý khi cầu hồn, các thầy có dùng đến dải lụa?!Khi có dịp tôi sẽ kể hầu quý vị câu chuyện HỒN MA THẰNG SÁU SỤT.